Sàn đá sáng bóng, không gợn bụi là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng khách sạn của du khách. Việc không “chăm sóc” sàn đá, thậm chí không vệ sinh thường xuyên và đúng cách sẽ gây nên những vết xước, bụi bẩn. Vậy nên đánh bóng và vệ sinh sàn đá khách sạn thế nào? Cùng Hotelmart.vn đi tìm quy trình tiêu chuẩn nhé!
Trước khi tìm hiểu kinh nghiệm đánh bóng và vệ sinh sàn đá khách sạn đúng quy trình tiêu chuẩn – hãy trả lời một số thắc mắc cơ bản sau đây:
Những khu vực nào trong khách sạn có lát sàn đá?
Thường gặp nhất là sảnh khách sạn, sàn nhà hàng, khu vực hành lang giữa các tầng, cầu thang bộ… những nơi có lượng người đi lại nhiều.
Ai là người đảm nhận nhiệm vụ đánh bóng và vệ sinh sàn đá khách sạn?
Công việc đánh bóng và vệ sinh sàn đá khách sạn thuộc về trách nhiệm của bộ phận buồng phòng, do nhân viên buồng phòng hoặc nhân viên vệ sinh công cộng phụ trách, tùy thuộc vào quy mô, cơ cấu nhân sự và điều hướng, phân công công việc của bộ phận. Nhân viên phụ trách công việc này sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo dưỡng và làm vệ sinh những khu vực được lát sàn đá trong khách sạn (như trên), đảm bảo sàn đá luôn sạch bóng, không có hoặc có ít nhất những vết xước, bụi bẩn khó xử lý, không tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn trơn trượt, té ngã cho du khách và nhân viên…
Loại đá nào dùng để lót sàn khách sạn?
Phổ biến là đá cẩm thạch (đá marble) và đá hoa cương (đá granite), trong đó, đá hoa cương được chuộng hơn bởi đặc tính độ cứng cao, khả năng chống xước, mài mòn tốt hơn
Đá Granite thường được sử dụng để lát sàn khu vực sảnh khách sạn
Phương pháp nào được áp dụng để đánh bóng sàn đá khách sạn?
Có 2 phương pháp đánh bóng sàn đá khách sạn thường được áp dụng, đó là:
+ Phương pháp đánh bóng tự nhiên (sử dụng máy đánh bóng sàn đá)
+ Phương pháp phủ sáp bề mặt
Trong đó, nếu phủ sáp bề mặt kém hiệu quả vì khả năng chống nước kém, dễ trơn trượt, gây bí thở các phân tử đá thì phương pháp đánh bóng tự nhiên được ưu tiên áp dụng hơn vì không chỉ làm sàn đá bóng loáng hơn mà còn giúp hạn chế tối đa tình trạng trơn trượt, tạo độ thở cho các phân tử có trong đá, từ đó tăng độ bền lâu hơn cho đá.
Những loại hóa chất đánh bóng sàn đá nào được sử dụng phổ biến?
+ Marble finshing premium (MFP): sử dụng cho sàn đá marble, giúp phục hồi bề mặt sàn đá bị mòn, mờ đục
+ MK2 - Crystallization: dùng cho sàn đá marble, giúp tạo lớp kết tinh tự nhiên trên bề mặt sàn, tạo độ sáng, bóng, hạn chế xuất hiện vết xước mới
+ MK3 - Crystallization: dùng được cho nhiều loại sàn đá, có tác dụng tương tự MK2 - Crystallization
+ MF premium: dùng cho các loại đá mài, đá chứa vôi, giúp tạo độ bóng cho sàn đá
+ GF powder & GF solution: dùng cho sàn đá granite, giúp hàn gắn các vết nứt, xước lên đến 60%, duy trì độ bóng cho bề mặt sàn đá
+ Action 150s: dùng cho các loại sàn đá, gạch lát nền, sàn xi măng, sàn epoxi, sàn sơn, cao su…, giúp làm sạch và tẩy tróc lớp phủ trên bề mặt sàn, cải thiện tình trạng mờ đục
+ Super coating: dùng cho các loại sàn được làm từ vinyl, sàn nhựa, sàn gỗ, sàn gạch ceramic, sàn marble và sàn granite, gúp phủ bóng bề mặt sàn đá...
Các loại máy đánh bóng sàn đá chuyên dụng
Hiện có 3 loại máy đánh bóng sàn đá chuyên dụng. Tùy vào quy mô và diện tích không gian cần được đánh bóng và làm sạch mà lựa chọn loại máy phù hợp.
+ Máy đánh bóng sàn đơn: có kích thước nhỏ, có thể làm sạch và đánh bay những vết bẩn cứng đầu nhanh chóng, bao gồm cả những vị trí khó thực hiện như góc chân tường. Máy này cũng chỉ thích hợp để sử dụng trong các công trình quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, máy chỉ có chức năng xả, không có chức năng hút nên sau khi xử lý vết bẩn trên sàn nhà, nhân viên phải dùng đến máy hút bụi hoặc dụng cụ lau sàn thủ công để làm sạch bề mặt.
+ Máy đánh bóng sàn liên hợp: có kích thước lớn hơn máy đánh bóng sàn đơn, có thêm chức năng hút nên giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức – loại này thích hợp dùng đánh bóng sàn đá ở không gian có quy mô vừa phải
+ Máy đánh bóng sàn ngồi lái: có thiết kế tương tự máy đánh bóng sàn liên hợp nhưng kích thước lớn hơn, được tích hợp thêm ghế ngồi lái cho người điều khiển, có thể hoạt động liên tục trong nhiều giờ với công suất lớn, thích hợp để đánh bóng và làm sạch sàn đá ở những công trình có quy mô lớn.
Tùy vào quy mô và diện tích không gian sàn đá cần được đánh bóng mà lựa chọn máy đánh bóng phù hợp
Kinh nghiệm đánh bóng và vệ sinh sàn đá khách sạn đúng quy trình
Dưới đây là quy trình các bước đánh bóng và vệ sinh sàn đá khách sạn bằng phương pháp đánh bóng tự nhiên.
+ Làm sạch bề mặt sàn đá: bao gồm làm sạch những bụi bẩn hoặc rác bám trên bề mặt sàn đá (có thể dùng máy hút bụi) – dùng nước ấm và dung dịch tẩy rửa thông thường lau chùi qua bề mặt sàn cần đánh bóng. Lưu ý di chuyển các vật dụng, đồ đạc không cần thiết hoặc gây cản trở đến vị trí thích hợp
+ Lau sàn đá bằng hóa chất: pha các loại hóa chất tẩy rửa chuyên dụng theo tỷ lệ thích hợp – dùng máy hút nước công nghiệp để lau sạch sàn nhà, đặc biệt là những vết bẩn cứng đầu bám trên sàn đá
+ Đánh bóng sàn đá bằng máy chuyên dụng: dùng máy mài chuyên dụng để loại bỏ (mài phẳng) những vết xước tồn tại trên bề mặt sàn đá – dùng máy hút công suất cao để hút sạch nước thải, hóa chất, bụi còn bám trên sàn nhà, đồng thời khắc phục tình trạng mờ đục của sàn
+ Bảo vệ bề mặt sàn đá: phủ đều một lớp hóa chất đánh bóng sàn lên bề mặt sàn đá đã vệ sinh xong để bảo vệ bề mặt sàn, giữ cho sàn đá luôn sáng bóng trong thời gian dài
+ Kiểm tra độ bóng loáng của sàn đá: bằng cách dùng hình ảnh phản chiếu của đèn xuống mặt sàn để kiểm tra – hình ảnh đèn sắc nét chứng tỏ sàn đã đạt được độ bóng cần thiết
Một số lưu ý khi đánh bóng và vệ sinh sàn đá khách sạn
+ Đánh bóng và làm vệ sinh sàn đá không phải là công việc cần thực hiện hàng ngày, chỉ khi sàn đá bị trầy xước, mất độ bóng thì mới áp dụng đánh bóng để khôi phục lại gần nhất trạng thái ban đầu
+ Nhân viên khách sạn nên thực hiện công việc đánh bóng sàn đá tại những khu vực công cộng vào ban đêm để tránh gây ảnh hưởng đến khách hàng. Lưu ý đặt biển để khách và nhân viên nhận biết, tránh bị trượt ngã.
+ Sử dụng thành thạo máy đánh bóng sàn đá, tránh va chạm với các đồ dùng, vật dụng khách sạn
+ Để hạn chế tình trạng trầy xướt, cũng như giúp sàn luôn sáng bóng, nhân viên khách sạn nên thường xuyên hút bụi, lau sạch sàn, xử lý bụi bẩn rớt lại trên sàn (có thể đặt thảm Nomad ở cửa ra vào sảnh khách sạn, trước lối vào nhà hàng để làm sạch đế giày dép của khách trước khi bước vào giúp hạn chế thấp nhất lượng cát rơi lại trên sàn gây xước)…
Công việc đánh bóng sàn đá chỉ thực hiện khi sàn xuất hiện vết trầy xước hoặc mất đi độ bóng
Hy vọng những thông tin được Hotelmart.vn chia sẻ trên đây sẽ hữu ích, cung cấp nhiều kinh nghiệm đánh bóng và vệ sinh sàn đá khách sạn đúng quy trình tiêu chuẩn, giúp công việc của nhân viên khách sạn được thuận lợi và nhanh chóng.
Có thể bạn cũng quan tâm: Kinh nghiệm đánh bóng sàn gỗ đúng cách
Thêm đánh giá của bạn